Thêm giải pháp xác minh năng lực nhà thầu

Thực tiễn triển khai hoạt động đấu thầu những năm qua cho thấy, nhiều nhà thầu sử dụng chiêu trò nhằm mục đích khác, không phải để trúng thầu. Cũng có nhiều trường hợp nhà thầu trúng thầu không đủ năng lực để làm thật, do hồ sơ dự thầu (HSDT) là giả. Theo nhiều ý kiến, cần thêm giải pháp để nhà thầu phải đấu thầu thật, làm thật.

Để xác minh năng lực nhà thầu, đại diện EVN và Bộ GTVT đều cho rằng cần bổ sung quy định về việc cập nhật năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia…
Theo ông Lê Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông thuộc Bộ Giao thông vận tải, có tình trạng nhà thầu đi đấu khắp nơi, trúng nhiều gói cùng lúc. Với nguồn lực bị san sẻ, việc thực hiện nhiều gói thầu như vậy khó đảm bảo, gây kéo dài thời gian thực hiện. Trong khi đó, khi chấm thầu, rất khó để xác minh nhà thầu kê khai thông tin trong HSDT có trung thực hay không.
Bà Phạm Thị Thúy Hà, Trưởng ban Quản lý đấu thầu thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, đây cũng là thực tiễn thường gặp, gây nhiều hệ lụy cho việc thực hiện gói thầu sau này.
Bên cạnh đó, đại diện EVN còn chỉ ra nhiều cách thức mà nhà thầu có thể sử dụng để bỏ cuộc thầu mà không bị tịch thu bảo đảm dự thầu. Ví dụ, quá trình xác minh năng lực nhà thầu tại thời điểm ký kết hợp đồng (khi đã có quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu) có thể bị lợi dụng thông qua việc kéo dài thời gian xác minh đến hết thời gian hiệu lực của HSDT, sau đó không gia hạn thời gian hiệu lực của HSDT, bảo đảm dự thầu. Khi đó, nhà thầu có thể bỏ cuộc thầu mà không bị tịch thu bảo đảm dự thầu.
Ngoài ra, khi thương thảo hợp đồng, nhà thầu có thể thay đổi các cam kết trong HSDT, không tuân thủ các nguyên tắc về thương thảo hợp đồng theo quy định dẫn đến quá trình thương thảo kéo dài hoặc không thành công. Khi đó, chủ đầu tư, bên mời thầu không đủ cơ sở để thu giữ bảo đảm dự thầu do Luật Đấu thầu chỉ quy định trường hợp “nhà thầu không tiến hành hoặc từ chối tiến hành hoàn thiện hợp đồng”. Bên cạnh đó, theo quy định của Luật Đấu thầu thì đối với các gói thầu dịch vụ tư vấn, nhà thầu không phải thực hiện bảo đảm dự thầu khi tham gia đấu thầu. Do vậy có trường hợp nhà thầu thầu xếp thứ 1 (giá thấp nhất) từ chối thương thảo, chủ đầu tư phải mời nhà thầu xếp hạng kế tiếp vào thương thảo (giá cao hơn) nhưng không có bất kỳ chế tài nào để xử lý nhà thầu xếp hạng thứ 1.
EVN kiến nghị xem xét bổ sung quy định về quy trình, thẩm quyền, nội dung thực hiện đối với việc “xác minh thông tin về năng lực của nhà thầu” cũng như xử lý tình huống nếu xác minh nhà thầu không trung thực trong kê khai hoặc không đủ năng lực thực hiện gói thầu tại thời điểm ký kết hợp đồng. Đồng thời, cần bổ sung các nội dung quy định nguyên tắc cơ bản về thương thảo hợp đồng trong Luật Đấu thầu; bổ sung trường hợp không hoàn trả bảo đảm dự thầu khi “nhà thầu từ chối thực hiện bất kỳ đề xuất, cam kết trong HSDT đã được đánh giá là đáp ứng yêu cầu của HSMT”. Đối với gói thầu tư vấn, cần bổ sung thêm chế tài trong trường hợp nhà thầu từ chối thương thảo hợp đồng.
Đặc biệt, đại diện EVN và Bộ GTVT đều cho rằng cần bổ sung quy định về việc cập nhật năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia; quy định pháp lý về việc cho phép dùng các thông tin về năng lực, kinh nghiệm của các nhà thầu được cập nhật trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia trong đánh giá, lựa chọn nhà thầu để từng bước đơn giản, hiện đại hóa công tác đấu thầu. Ngoài ra, cần gắn trách nhiệm của nhà thầu với thông tin kê khai tại HSDT, xử nặng trường hợp kê khai không trung thực.
Theo Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ KH&ĐT, giải pháp mà Cục đang nghiên cứu trong quá trình xây dựng Luật Đấu thầu (sửa đổi) là kết nối, đồng bộ hóa thông tin giữa Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia và các hệ thống thông tin quản lý chuyên ngành như hệ thống kê khai thuế điện tử của cơ quan thuế. Cách làm này buộc nhà thầu phải kê khai trung thực. Bên cạnh đó, Hệ thống sẽ công khai hợp đồng của nhà thầu, chủ đầu tư có thể tra cứu.
Song song với đó, nhiều chính sách nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về đấu thầu; phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong hoạt động đấu thầu sẽ được nghiên cứu khi xây dựng Luật Đấu thầu (sửa đổi).
Nguồn: Báo Đấu thầu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *