Quy định rõ trách nhiệm của người quyết định chỉ định thầu

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 22/NQ-CP phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 2/2022 (NQ22), trong đó cho ý kiến chỉ đạo về đề nghị xây dựng Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi). Một trong những nội dung được nhấn mạnh là cụ thể hóa trách nhiệm của người quyết định chỉ định thầu, hình thức lựa chọn nhà thầu…

Hình ảnh mang tính chất minh họa
Báo cáo công tác đấu thầu cả nước trong nhiều năm qua được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tổng hợp cho thấy, chỉ định thầu là hình thức lựa chọn nhà thầu kém cạnh tranh và thường có tỷ lệ tiết kiệm qua đấu thầu thấp nhất. Tuy nhiên, đây luôn là hình thức có tỷ lệ áp dụng cao nhất tại địa phương. Theo báo cáo công tác đấu thầu năm 2021, tỷ lệ gói thầu áp dụng chỉ định thầu của nhiều địa phương trên 80%.
Thực tiễn, có tình trạng cố tình chia nhỏ gói thầu để áp dụng chỉ định thầu hoặc hình thức kém cạnh tranh hơn đấu thầu rộng rãi. Bên cạnh đó, mua sắm trực tiếp, tự thực hiện trong một số trường hợp cũng bị lạm dụng để lựa chọn nhà thầu không qua các hình thức cạnh tranh như đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh…
Tờ trình Đề nghị xây dựng Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) của Bộ KH&ĐT đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định theo hướng cụ thể hơn từng hình thức lựa chọn nhà thầu, điều kiện áp dụng, đặc biệt là hình thức chỉ định thầu. Với chỉ định thầu, cần cụ thể hóa những quy định mang tính nguyên tắc trong Luật để hạn chế việc áp dụng hình thức này, tăng cường áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu có tính cạnh tranh cao. Đồng thời, quy định cụ thể hơn về điều kiện áp dụng và quy trình thực hiện đối với hình thức mua sắm trực tiếp, tự thực hiện. Sửa đổi, bổ sung quy định về nguyên tắc áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt, thẩm quyền quyết định áp dụng và trình tự, thủ tục thực hiện.
Bộ KH&ĐT nhận định, việc quy định cụ thể về hình thức lựa chọn nhà thầu, đặc biệt là hình thức chỉ định thầu sẽ góp phần nâng cao tính cạnh tranh trong đấu thầu. Đối với hình thức mua sắm trực tiếp, tự thực hiện, việc quy định cụ thể hơn về điều kiện áp dụng và quy trình thực hiện sẽ góp phần nâng cao hiệu quả mua sắm, hạn chế việc lạm dụng hình thức mua sắm trực tiếp, tự thực hiện như là “biến tướng” của chỉ định thầu.
Việc sửa đổi, bổ sung quy định về lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt sẽ góp phần phân định rõ hơn nữa trách nhiệm của người có thẩm quyền, Thủ tướng Chính phủ trong việc lập, tổ chức thẩm định, phê duyệt phương án lựa chọn nhà thầu; giúp cho quy trình lựa chọn nhà thầu được minh bạch, thuận lợi, tránh áp dụng tùy tiện; khắc phục tình trạng gói thầu đủ điều kiện để tổ chức đấu thầu rộng rãi hoặc chỉ định thầu nhưng người có thẩm quyền vẫn đùn đẩy trách nhiệm lên Thủ tướng thông qua việc đề xuất áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt.
Tại NQ 22, Chính phủ giao Bộ KH&ĐT hoàn thiện các quy định cụ thể hóa chính sách về các hình thức lựa chọn nhà thầu, quy định rõ các trường hợp đấu thầu và chỉ định thầu, lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt… Quy định cụ thể về điều kiện áp dụng, thẩm quyền, trình tự, thủ tục, rõ trách nhiệm của người quyết định chỉ định thầu, hình thức lựa chọn nhà thầu, người phê duyệt hồ sơ mời thầu, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư…
Đồng thời, Chính phủ yêu cầu rà soát quy định nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước trong hoạt động đấu thầu, bảo đảm ngăn chặn hiệu quả, triệt để tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong hoạt động đấu thầu, quy định rõ trình tự, thủ tục, trách nhiệm thực hiện gắn với cơ chế thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát; hoàn thiện hệ thống chế tài, xử lý nghiêm minh các vi phạm pháp luật đấu thầu; hoàn thiện quy định về công bố thông tin công khai minh bạch gắn với trách nhiệm giải trình, bao gồm cả thông tin về vi phạm pháp luật đấu thầu của tổ chức, cá nhân.
Nguồn: Báo Đấu thầu

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *