Khảo sát tại nhiều gói thầu kiểm toán được tổ chức đấu thầu thời gian qua, bên cạnh các yêu cầu nhân sự phù hợp với quy định pháp luật kiểm toán, xuất hiện tình trạng hồ sơ mời thầu (HSMT) thêm vào hàng loạt tiêu chí về bằng cấp, chứng chỉ ngoài phạm vi công việc mời thầu. Dễ dàng nhận thấy, các tiêu chuẩn “kép” này chính là chốt chặn hạn chế không ít nhà thầu.
Mới đây, tại Gói thầu Tư vấn kiểm toán thuộc Dự án Phòng chống sạt lở bờ sông để bảo vệ dân cư tại các khu vực xung yếu trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp (khu vực xã Long Thuận và Phú Thuận A, huyện Hồng Ngự) có tổng mức đầu tư 300 tỷ đồng, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp mời thầu, nhà thầu phản ánh HSMT bộc lộ khá nhiều bất cập trong các tiêu chuẩn đánh giá về nhân sự. Cụ thể, trưởng đoàn kiểm toán phải có Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán tại đơn vị dự thầu; đồng thời, có các loại chứng chỉ hành nghề chuyên ngành sau đây: khảo sát địa hình, đấu thầu, giám sát xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật, quản lý dự án. Tại vị trí tổ trưởng kiểm toán về pháp lý, HSMT yêu cầu Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán tại đơn vị dự thầu; các chứng chỉ hành nghề: quản lý dự án, định giá xây dựng hạng II, đấu thầu. Tương tự, tổ trưởng tổ kiểm toán về kỹ thuật cũng phải đáp ứng các tiêu chuẩn đánh giá vừa nêu.
Theo đánh giá của nhà thầu, việc HSMT yêu cầu các nhân sự vừa phải đăng ký hành nghề kiểm toán tại doanh nghiệp dự thầu, vừa phải có chứng chỉ hành nghề trong lĩnh vực xây dựng là không phù hợp với quy định pháp luật chuyên ngành, chưa kể đến việc một số loại chứng chỉ chuyên ngành không thực sự cần thiết cho công tác kiểm toán dự án. Trên thực tế, Gói thầu ghi nhận 2 nhà thầu tham dự, trong đó Công ty TNHH Kiểm toán Hùng Vương vượt qua vòng đánh giá kỹ thuật và trúng thầu. Nhà thầu còn lại là Công ty TNHH Kiểm toán tư vấn định giá ACC Việt Nam bị loại do không đạt điểm đánh giá tối thiểu tại tất cả các vị trí nhân sự.
Trước đó, tại Gói thầu Kiểm toán Dự án Hồ chứa nước Bản Lải giai đoạn 1, tỉnh Lạng Sơn, HSMT yêu cầu để đạt điểm tối đa, trưởng đoàn kiểm toán phải đáp ứng là thạc sĩ quản trị kinh doanh trở lên, có thẻ thẩm định viên về giá, chứng chỉ hành nghề dịch vụ thuế, chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ giám đốc quản lý dự án, chứng chỉ định giá bất động sản, chứng chỉ định giá đất, chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ đấu thầu, chứng chỉ được đào tạo về kỹ sư định giá xây dựng hạng II trở lên. Đối với tổ trưởng tổ kiểm toán về kỹ thuật, HSMT yêu cầu có chứng chỉ/chứng nhận được đào tạo về quản lý dự án, đấu thầu, kỹ sư định giá xây dựng, chứng chỉ hành nghề dịch vụ thuế, chứng chỉ định giá đất… Kết quả, chỉ có 1 nhà thầu đạt đánh giá kỹ thuật trong số 2 nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu.
Cá biệt, có những gói thầu còn “đòi hỏi” nhân sự chủ chốt như trưởng đoàn kiểm toán có bằng đại học chuyên ngành luật và chuyên ngành xây dựng, đồng nghĩa với việc nhân sự này phải tốt nghiệp đồng thời 2 trường đại học có chuyên ngành đào tạo khác nhau. Chưa kể đến hàng loạt yêu cầu như chứng chỉ thẩm định viên về giá; chứng chỉ định giá xây dựng… Có thể kể đến Gói thầu Kiểm toán thuộc Dự án Hệ thống đê bao nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ đời sống của người dân thị trấn Tràm Chim, huyện Tam nông, tỉnh Đồng Tháp.
Trao đổi với Báo Đấu thầu, nhiều đơn vị kiểm toán cho rằng, việc HSMT buộc nhà thầu kiểm toán phải đáp ứng chứng chỉ/chứng nhận trong lĩnh vực hoạt động xây dựng như trên là không phù hợp.
Trong khi đó, một chuyên gia kiểm toán nhận định, việc HSMT xây dựng tiêu chuẩn “kép” tại các vị trí nhân sự là không phù hợp với thực tiễn, không phù hợp với quy định pháp luật chuyên ngành, bởi Luật Kiểm toán độc lập không có quy định kiểm toán viên hành nghề phải có các bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn trong lĩnh vực xây dựng, luật hoặc các lĩnh vực khác. Đồng thời, Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 1000 – Kiểm toán báo cáo quyết toán dự án hoàn thành cũng quy định, kiểm toán viên là những người thực hiện cuộc kiểm toán, gồm thành viên ban giám đốc phụ trách tổng thể cuộc kiểm toán, kiểm toán viên hành nghề, kỹ thuật viên và các thành viên khác trong nhóm kiểm toán. Trong đó, kỹ thuật viên là các cá nhân có kỹ năng, kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn về kinh tế, kỹ thuật xây dựng… (gọi chung là các kỹ sư chuyên ngành). Theo vị chuyên gia, việc bổ sung yêu cầu về bằng cấp, chứng chỉ chuyên ngành chỉ nên áp dụng cho các “kỹ thuật viên” khi thực sự cần thiết, không lạm dụng dẫn đến cạnh tranh không bình đẳng.
Nguồn: Báo Đấu thầu